Vụ cháy ở làng Wennington, phía đông London xảy ra khi nhiệt độ ở London lần đầu tiên đạt kỷ lục 40 độ C
Các nhà khoa học hàng đầu cho rằng nhiệt độ cao kỷ lục như ở Vương quốc Anh tuần trước là “gần như không thể” nếu không có biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Anh quốc lần đầu tiên vượt kỷ lục trên 40 độ C ngày 19/7.
Nếu không phải vì biến đổi khí hậu do con người gây ra, nhiệt độ lẽ ra phải thấp hơn khoảng 2-4 độ C.
Đó chỉ là bước đầu, trong nhiều năm tới sẽ càng thêm nắng nóng, hỏa hoạn, và hạn hán.
Nắng nóng gay gắt gây gián đoạn đáng kể ở Anh quốc, với các chuyên gia cảnh báo số tử vong do thời tiết nóng sẽ cao. Một số nơi cũng có cháy rừng tàn phá nhà cửa và thiên nhiên.
Thế giới đã ấm hơn 1,1 độ C từ cuộc cách mạng công nghiệp khoảng 200 năm trước. Những hoạt động như đốt nhiên liệu thải khí nhà kính vào khí quyển, làm nóng bầu khí quyển của Trái đất.
Những phát hiện trên được công bố bởi nhóm World Weather Attribution, một nhóm nhà khoa học hàng đầu về khí hậu gặp nhau sau một hiện tượng thời tiết khắc nghiệt để xác định xem biến đổi khí hậu có là nguyên nhân khiến nó có khả năng xảy ra cao hơn không.
Họ xem xét ba trạm số liệu khí hậu thủy văn riêng lẻ ghi lại nhiệt độ rất cao, là Cranwell, Lincolnshire, St James Park ở London, và Durham.
Tiến sĩ Friederike Otto của ĐH Imperial College London, người đứng đầu World Weather Attribution, nói với BBC News rằng nhiệt độ như vậy vẫn hiếm trong khí hậu hiện nay, và dự kiến xảy ra từ 500 năm một lần đến 1.500 năm một lần. Tuy nhiên bà cũng nói, khi nhiệt độ toàn cầu tăng lên, khả năng các đợt nắng nóng diễn ra thường xuyên hơn cũng tăng.
Bà nói “Chúng ta sẽ không có nhiệt độ như tuần trước nếu không có biến đổi khí hậu, đó là điều chắc chắn”. Nhiệt độ cao hơn ít nhất 2 độ, nhưng chênh lệch thật sự có lẽ là gần 4 độ so với một thế giới không có biến đổi khí hậu do tác động con người, bà giải thích.
Các nhà khoa học xem xét các bản ghi nhiệt độ qua thời gian, kết hợp với các mô hình toán học phức tạp để đánh giá mức độ ảnh hưởng tới thời tiết của biến đổi khí hậu do con người gây ra.
Tiến sĩ Otto nói, “Vì chúng tôi biết rõ bao nhiêu loại khí nhà kính đã được đưa vào khí quyển từ lúc bắt đầu cách mạng công nghiệp, chúng tôi có thể tách những yếu tố đó khỏi mô hình và mô phỏng một thế giới không biến đổi khí hậu.”
Điều đó cho phép các nhà khoa học so sánh hai kịch bản khác nhau—một thế giới đang nóng lên 1,1 độ C và một thế giới không tăng nhiệt độ.
Tiến sĩ Otto nói, nếu muốn những đợt nắng nóng hiếm khi xảy ra, Anh quốc phải “rất sớm” đạt net zero, tức là ngừng đưa thêm khí nhà kính vào bầu khí quyển. Mục tiêu của chính phủ là đạt net zero năm 2050.
“Nóng lên mỗi chút làm những hiện tượng này diễn ra nhiều hơn và còn nóng hơn. Sóng nhiệt gây chết người nhiều hơn hẳn một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt khác như lũ lụt, và biến đổi khí hậu là yếu tố làm thay đổi cuộc chơi đối với sóng nhiệt.”
Các nhà khoa học cũng nói nó cho thấy Vương quốc Anh không thích nghi với nhiệt độ đang nóng lên, với nhà cửa, bệnh viện, trường học, và hệ thống giao thông không chịu được nhiệt độ cao.
Biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng khắp thế giới, với nắng nóng khắc nghiệt ở nhiều nơi năm nay như ở Ấn Độ, Mỹ, Úc, Tây Ban Nha, và Đức.
Chính trị gia khắp nơi cam kết không để nhiệt độ toàn cầu tăng tới 1,5 độ C, nhưng các nhà khoa học cho rằng tiến độ còn quá chậm.
“Khí hậu đã thay đổi—chúng ta đang và sẽ tiếp tục gánh chịu hậu quả vì chính phủ không hành động”, Rosie Rogers, người đứng đầu về khí hậu trong tổ chức Greenpeace UK, nói với BBC News. “Mọi thứ tồi tệ thế nào tùy thuộc vào chính phủ làm nhiều hay ít để loại bỏ nguyên liệu hóa thạch.”
“Là một trong những quốc gia phát thải lớn nhất trong lịch sử, Vương quốc Anh có nghĩa vụ phải đẩy mạnh và nhanh chóng cắt giảm lượng khí thải xuống mức 0”, bà nói. “Thủ tướng mới cần hành động theo những cảnh báo về khí hậu này, và làm gương cho mọi người noi theo.”
Để đối phó với biến đổi khí hậu, các nhà khoa học nói chúng ta phải cắt giảm mạnh lượng khí thải, thay đổi cách sản xuất và sử dụng năng lượng, cũng như bảo vệ thiên nhiên để giúp hấp thụ khí nhà kính.
Georgina Rannard – BBC News Climate & Science