ispace của Nhật Bản: Cuộc đổ bộ xuống mặt trăng thất bại do tính sai độ cao

Mô hình tàu đổ bộ mặt trăng HAKUTO-R của hãng ispace, Nhật Bản, trưng bày ở Tokyo.

Hãng khởi nghiệp ispace của Nhật Bản chịu thất bại trong việc đưa tàu đổ bộ Hakuto-R đáp xuống mặt trăng hồi tháng trước là do tính toán sai độ cao khiến tàu hết nhiên liệu quá sớm, hãng cho biết hôm thứ Sáu 26/5.

Hãng ispace có trụ sở ở Tokyo đã mất kết nối với tàu đổ bộ Hakuto-R Mission 1 sau khi tàu cố thực hiện cuộc đổ bộ nhẹ nhàng xuống bề mặt mặt trăng mà nếu thành công sẽ là cuộc đổ bộ đầu tiên của một hãng kinh doanh trên thế giới.

Vụ tàu đổ bộ bị rơi này là thất bại mới nhất trong chương trình không gian của Nhật Bản. Cơ quan vũ trụ quốc gia của Nhật hồi tháng 3 đã phải hủy bỏ tên lửa H3 mới mang được trọng tải trung bình của họ sau khi nó đạt độ cao vũ trụ, còn tên lửa Epsilon nhiên liệu rắn của họ đã thất bại sau khi phóng vào tháng 10/2022.

ispace cho biết sẽ có những cải tiến cho hai chương trình tiếp theo.

Giám đốc điều hành ispace Takeshi Hakamada nói với các phóng viên tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia Nhật Bản: “Thông qua hai nhiệm vụ này, chúng tôi thấy điều rất quan trọng là phải nâng cao kiến thức của mình nhiều nhất có thể để đạt được hoạt động thương mại hóa ổn định trong tương lai”.

Sau khi phóng tàu đổ bộ Hakuto-R trên một tên lửa SpaceX với nhiều thông tin quảng bá rầm rộ vào tháng 12/2022, cổ phiếu ispace đã ra mắt trên Sàn giao dịch chứng khoán Tokyo vào tháng 4 năm nay và chứng kiên giá tăng chóng mặt. Nhưng trong giai đoạn đáp xuống cuối cùng vào rạng sáng ngày 26/4, ispace đã mất liên lạc với tàu.

Cổ phiếu của ispace đã tăng lên tới 2.373 yen, gấp hơn 9 lần so với mức giá lúc IPO (chào bán lần đầu ra công chúng), trong những ngày sau khi mới lên sàn. Giá cổ phiếu đã giảm xuống dưới 800 yen sau vụ Hakuto-R bị rơi, nhưng kể từ đó giá đã phục hồi, giao dịch gần đây nhất có giá là 1.748 yên.

Trong tuần này, NASA của Mỹ đã công bố hình ảnh về các mảnh vỡ và hố của vụ rơi tại địa điểm đổ bộ dự định của Hakuto-R. NASA đã quét khu vực này bằng Tàu quỹ đạo Trinh sát Mặt trăng.

Một cuộc điều tra của ispace cho thấy rằng sau khi tàu đi qua một vách đá lớn trên mặt trăng, trục trặc phần mềm của cảm biến đã dẫn đến có sự khác biệt giữa độ cao thực tế và độ cao dự kiến, và sau khi hết nhiên liệu, tàu đã rơi tự do trong 5 km cuối cùng và đâm xuống bề mặt mặt trăng.

Cuộc phóng ispace thứ hai được lên kế hoạch vào năm 2024, sẽ có một tàu đổ bộ M1 khác mang theo xe tự hành của hãng. Từ năm 2025, hãng sẽ hợp tác với nhà phát triển phần mềm không gian Draper của Hoa Kỳ để đưa các hàng hóa, thiết bị của NASA lên mặt trăng, nhằm mục đích xây dựng một trạm định cư trên mặt trăng có nhân viên làm việc lâu dài vào năm 2040.

(Reuters)

Previous articleThành viên Oath Keepers cực hữu đối mặt án tù nặng vì tấn công Tòa nhà Quốc hội Mỹ
Next articlePeranakan, ẩm thực độc đáo và lâu đời của người Malaysia