Tổng thư ký NATO nói Ukraine sẽ gia nhập liên minh này ‘trong dài hạn’

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg và Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin ở Helsinki

Tổng thư ký Nato Jens Stoltenberg nói Ukraine sẽ trở thành thành viên của tổ chức này “về dài hạn”, nhưng lúc này Ukraine cần giữ độc lập trong lúc đối mặt với cuộc xâm lăng của Nga.

Ukraine đã mong muốn gia nhập liên minh quân sự do Mỹ đứng đầu nhiều năm nay.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, Tổng thống Volodymyr Zelensky yêu cầu đơn xin gia nhập Nato của nước này được xét duyệt nhanh.

Ukraine cũng làm đơn xin gia nhập EU chỉ ít ngày sau khi Nga xâm lược, và được trao tư cách ứng viên EU hồi tháng Sáu.

“Các nước đồng minh trong khối Nato nhất trí rằng Ukraine sẽ trở thành thành viên của liên minh, nhưng cùng lúc đây là một viễn cảnh dài hạn,” ông Stoltenberg nói với các phóng viên trong chuyến thăm Helsinki, thủ đô Phần Lan.

“Vấn đề lúc này là Ukraine có thể tồn tại như một quốc gia độc lập có chủ quyền.”

Trong nhiều năm qua, Ukraine đã tỏ ý muốn gia nhập liên minh quân sự gồm Mỹ, Canada và 28 quốc gia châu Âu, điều mà Tổng thống Vladimir Putin mô tả là một mối đe dọa an ninh đối với Nga.

Ông Zelensky kêu gọi Nato xét cho Ukraine gia nhập nhanh chóng, nhưng hiện không rõ liệu các nước trong liên minh Nato có xem xét cho Ukraine tư cách thành viên đầy đủ hay không ngay cả khi cuộc chiến kết thúc, mặc dù họ cam kết sẽ ủng hộ.

Khi cuộc chiến kết thúc “chúng ta cần đảm bảo rằng lịch sử không lặp lại”, ông Stoltenberg nói, trong một cuộc họp báo vơi Thủ tướng Phần Lan Sanna Marin.

“Tổng thống Putin không thể tiếp tục tấn công các nước láng giềng. Ông ta muốn kiểm soát Ukraine và ông ta không có kế hoạch cho hòa bình, ông ta lên kế hoạch cho chiến tranh thêm nữa,” hãng tin AFP dẫn lời vị tổng thư ký Nato.

Hôm thứ Ba, quốc hội Phần Lan sẽ thảo luận một luật tăng tốc quá trình xin gia nhập Nato, và các nghị sỹ được trông đợi sẽ bỏ phiếu vào thứ Tư.

Sau khi Nga xâm lược Ukraine, cả Phần Lan và Thụy Điển đều muốn gia nhập liên minh này càng sớm càng tốt, sau khi giữ vị trí trung lập trong nhiều năm.

Chỉ còn Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary hiện vẫn chưa chấp thuận yêu cầu của Phần Lan và Thụy Điển.

Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói cả Thụy Điển và Phần Lan đều đang chứa chấp các công dân Thổ Nhĩ Kỳ mà theo Thổ Nhĩ Kỳ là “những kẻ khủng bố”. Phía Thổ Nhĩ Kỳ yêu cầu các công dân này phải được dẫn độ về nước.

Previous articleThương Mại Việt Nam #2036 (02.28.2023)
Next articleMỹ nhân tuổi Mão là sao nhí thành công nhất nhì xứ Hàn: Sự nghiệp gián đoạn vì bệnh tật, cả đời làm việc thiện