Kinh tế Indonesia tăng trưởng chậm nhất trong 2 năm qua do xuất khẩu giảm

Ngân hàng Trung ương Indonesia.

Nền kinh tế Indonesia ghi nhận mức tăng trưởng ổn định trong Quý III, mặc dù tăng trưởng thấp hơn dự kiến và đạt mức yếu nhất trong 2 năm do xuất khẩu giảm và chi tiêu hộ gia đình giảm, theo Reuters.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 4,94% trong Quý III (từ tháng 7 đến tháng 9) so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng trưởng 5,17% được ghi nhận trong Qúy II và thấp hơn mức 5,05% mà các nhà kinh tế dự báo.

Các nhà kinh tế dự báo nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á sẽ hạ nhiệt trong năm nay do lãi suất trong nước tăng, giá hàng hóa giảm và tăng trưởng toàn cầu suy yếu.

Việc Ngân hàng Trương ương Indonesia bất ngờ tăng lãi suất vào tháng trước nhằm bảo vệ đồng tiền rupiah đang sụt giá đã đưa tổng mức tăng lãi suất kể từ năm ngoái lên 250 điểm cơ bản.

Ông Myrdal Gunarto, chuyên gia kinh tế của Maybank Indonesia, nói: “Mặc dù tốc độ tăng dưới 5% vẫn là khá tốt, nhưng đây là lời cảnh báo cho cơ quan quản lý tiền tệ của chúng tôi không nên quá tích cực với việc tăng lãi suất”.

Trong một cuộc họp báo sau khi công bố GDP, Bộ trưởng Tài chính Sri Mulyani Indrawati cho hay chính phủ sẽ mở rộng việc giảm thuế đối với việc mua bất động sản để thúc đẩy tăng trưởng đến năm 2024.

Bà Indrawati cũng đưa ra dự báo GDP chính thức cho cả năm 2023 là 5,04%, thấp hơn so với mức 5,1% được dự báo trước đó, với mức tăng trưởng năm tới có thể là 5,24%.

Con số này được so sánh với mức tăng trưởng kinh tế 5,3% vào năm 2022 – mức cao nhất trong 9 năm khi đất nước Indonesia giàu tài nguyên được hưởng lợi từ sự bùng nổ hàng hóa toàn cầu.

Trong giai đoạn từ tháng 7 đến tháng 9, xuất khẩu giảm sâu xuống 4,26% từ mức 2,97% trong quý 2, với chi tiêu của chính phủ cũng giảm so với cùng kỳ năm trước.

Previous articleBÁN HOẶC CHO THUÊ CƠ SỞ THƯƠNG MẠI – Missouri City, TX 77459
Next articleTrung Quốc lần đầu bị thâm hụt đầu tư nước ngoài, báo hiệu phương Tây ngày càng ‘giảm rủi ro’