Lãnh đạo Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản họp ở Trại David, triển khai các bước phòng thủ mới

Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) đã mời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (giữa) và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol (phải) tới Trại David để hội đàm về việc hợp tác và triển khai các bước phòng thủ chung.

Hoa Kỳ, Nhật Bản và Hàn Quốc sẽ khởi động một loạt sáng kiến chung về công nghệ và quốc phòng khi các nhà lãnh đạo của 3 nước này ngồi lại với nhau ở Trại David vào thứ Sáu tuần này, 18/8, theo các quan chức cấp cao của chính phủ Hoa Kỳ, trong bối cảnh 3 nước có chung mối quan ngại ngày càng lớn về Trung Quốc.

Tuy cuộc gặp thượng đỉnh khó có thể tạo ra một thỏa thuận an ninh chính thức để 3 quốc gia cam kết bảo vệ lẫn nhau, song họ sẽ đồng ý về cùng có sự thông hiểu giống nhau về trách nhiệm khu vực và thiết lập một đường dây nóng 3 bên để liên lạc trong thời điểm khủng hoảng, các quan chức cho hay và không muốn nêu danh tính.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đã mời Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol tới cơ sở nghỉ ngơi lâu đời phục vụ tổng thống ở Dãy núi Catoctin thuộc bang Maryland, giữa lúc 2 quốc gia châu Á nỗ lực hàn gắn quan hệ ngoại giao bị rạn nứt trước những mối đe dọa lớn hơn trong khu vực do sự trỗi dậy của Trung Quốc và Triều Tiên.

Đây là cuộc gặp đầu tiên của lãnh đạo 3 nước theo hình thức như vậy và các quan chức Hoa Kỳ hy vọng sẽ trở thành cuộc gặp mặt thường niên, chính thức hóa mối quan hệ và hợp tác của họ.

Hàn Quốc và Nhật Bản đã tổ chức hội nghị thượng đỉnh chung lần đầu tiên sau 12 năm vào tháng 3 năm nay và đã thực hiện các bước để giảm bớt căng thẳng sau nhiều năm mâu thuẫn, trong đó có một số bất đồng về việc Nhật Bản chiếm đóng Triều Tiên trong những năm 1910-1945.

Washington có hai thỏa thuận riêng rẽ về phòng thủ song phương chính thức với cả Tokyo lẫn Seoul, nhưng Mỹ muốn hai nước này hợp tác chặt chẽ hơn trước những lo ngại ngày càng tăng về sức mạnh gia tăng và ý đồ của Trung Quốc.

Một trong các quan chức Hoa Kỳ nói: “Chúng tôi đang tính toán về một số bước sẽ đưa chúng tôi xích lại gần nhau hơn trong lĩnh vực an ninh”, và làm như vậy sẽ “tăng cường an ninh tập thể của chúng tôi”.

Nhưng quan chức Hoa Kỳ nói thêm rằng, “chớ có kỳ vọng rằng sẽ có một khuôn khổ an ninh 3 bên giữa 3 nước chúng tôi vì điều đó là một mục tiêu quá lớn, khó đạt được. Tuy nhiên, chúng tôi đang thực hiện các bước để mỗi quốc gia hiểu rõ trách nhiệm đối với an ninh khu vực, và chúng tôi đang thúc đẩy các lĩnh vực phối hợp mới và phòng thủ tên lửa đạn đạo, một lần nữa là công nghệ, sẽ được coi là rất quan trọng”.

Dự kiến cuối cuộc gặp thượng đỉnh sẽ có một tuyên bố chung giữa 3 quốc gia, bao gồm nội dung đề cập đến mối quan ngại về ý đồ của Trung Quốc nhằm thay đổi tình trạng của Đài Loan tự trị, vốn thường xuyên bị Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của họ.

Một trong các quan chức cho biết tuyên bố chung của Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ bao gồm nội dung về duy trì hòa bình và ổn định ở eo biển Đài Loan. Lời văn chính xác về nội dung này và các điều khoản khác dự kiến sẽ được đàm phán cho đến phút cuối cùng.

Nhưng nội dung hiện đang được xem xét sẽ nhất quán với các quan điểm trước đây của Hoa Kỳ về chủ đề này, tránh leo thang mạnh trong lời lẽ với Bắc Kinh vì Washington đang tìm cách giảm bớt căng thẳng trước cuộc hội đàm có thể diễn ra giữa Tổng thống Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào cuối năm nay.

Previous articleVì sao nhà khoa học này tin rằng công nghệ số có hại cho phát triển não ở trẻ em?
Next articleÔng Trump và các cố vấn bị buộc tội ở Georgia vì âm mưu lật ngược bầu cử năm 2020