Mỹ chế tài các nhà tài trợ Hamas để đáp trả cuộc tấn công vào Israel

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ đang thực hiện hành động nhanh chóng và quyết đoán nhắm vào các nhà tài trợ và hỗ trợ cho Hamas.”

Sau vụ tấn công ngày 7/10 của tổ chức hiếu chiến Hamas người Palestine nhắm vào Israel, Bộ Ngân khố Hoa Kỳ hôm 18/10 đã mở rộng các chế tài tài chính hiện có đối với tổ chức có trụ sở tại Gaza.

Các chế tài mới đã được Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài của Bộ Ngân khố công bố và ảnh hưởng đến 9 cá nhân mà cơ quan này xác định là “thành viên, đặc vụ và người hỗ trợ tài chính chủ chốt của nhóm khủng bố Hamas”.

Cũng bị chế tài là một sàn giao dịch tiền điện tử có trụ sở tại Gaza. Ngoài một số thành viên Hamas có trụ sở tại Gaza, lệnh này còn nêu tên các cá nhân đến từ Sudan, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria và Qatar.

Lệnh nêu rõ một số cá nhân được nêu tên là người quản lý “danh mục đầu tư bí mật của Hamas” cung cấp tài chính cho các hoạt động của nhóm.

Trong khi được một số nước trong khu vực coi là một thực thể chính trị hợp pháp, Hoa Kỳ và Liên hiệp Châu Âu từ lâu đã coi Hamas là một tổ chức khủng bố. Hoa Kỳ lần đầu tiên coi Hamas là một tổ chức khủng bố vào năm 1997. Kể từ năm 2001, tổ chức này nằm trong danh sách Các tay khủng bố Toàn cầu bị Chỉ định Đặc biệt của Hoa Kỳ.

Việc bao gồm các cá nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar là rất quan trọng vì cả hai nước đều có mối quan hệ an ninh sâu rộng và lâu dài với Hoa Kỳ.

Khả năng tuân thủ

Ông Alex Zerden nói với VOA: “Hiệu quả thực tế của việc này là khiến các cá nhân và tổ chức này gần như không thể tương tác với hệ thống tài chính Hoa Kỳ, và do đó, với phần lớn hệ thống tài chính toàn cầu”. Ông là cựu quan chức Bộ Ngân khố, từng làm việc về các vấn đề tài chính chống rửa tiền và khủng bố.

Các chế tài tài chính của Hoa Kỳ có phạm vi ảnh hưởng cực kỳ rộng vì một số lý do, một trong số đó là sự thống trị toàn cầu của ngành dịch vụ tài chính Hoa Kỳ. Một tỷ lệ lớn các giao dịch giữa các thực thể bên ngoài Hoa Kỳ vẫn liên quan đến các ngân hàng và hệ thống thanh toán của Hoa Kỳ, có nghĩa là các tổ chức tài chính ngoài Hoa Kỳ có thể bị cắt khỏi hoạt động thương mại toàn cầu một cách hiệu quả nếu họ kinh doanh với các thực thể bị trừng phạt.

Ông Zerden, hiện là Giám đốc điều hành của Capitol Peak Strategies, cho biết mặc dù một số chính phủ ở Trung Đông coi Hamas là một thực thể chính trị hợp pháp nhưng các ngân hàng ở nước họ vẫn có khả năng tuân thủ các lệnh trừng phạt đối với tổ chức này vì sợ mất khả năng giao dịch với các ngân hàng Mỹ.

“Chế tài là các biện pháp trừng phạt nhằm mục đích tuân thủ. Vì vậy, bất kể quan điểm chính trị của một số khu vực pháp lý nhất định, các ngân hàng đang tìm cách tiếp cận hệ thống tài chính của Hoa Kỳ chắc chắn sẽ phải tuân thủ các biện pháp trừng phạt này”, ông Zerden nói.

Bộ trưởng Ngân khố Janet Yellen nói trong một tuyên bố: “Hoa Kỳ đang thực hiện hành động nhanh chóng và quyết đoán nhắm vào các nhà tài trợ và hỗ trợ cho Hamas sau vụ thảm sát tàn bạo và vô lương tâm đối với thường dân Israel, bao gồm cả trẻ em.”

Bà Yellen nói thêm: “Chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện tất cả các bước cần thiết để ngăn chặn những kẻ khủng bố Hamas có khả năng gây quỹ và sử dụng tiền để thực hiện hành vi tàn bạo và khủng bố người dân Israel”.

Ngoại trưởng Antony Blinken, người đã đi khắp khu vực trong tuần qua trong nỗ lực vận động sự ủng hộ cho Israel, cho biết trong một tuyên bố: “Các hành động hôm nay nhắm vào những kẻ khủng bố Hamas và mạng lưới hỗ trợ của chúng, chứ không phải người Palestine.”

“Chỉ Hamas phải chịu trách nhiệm về cuộc tàn sát mà các chiến binh của họ đã gây ra cho người dân Israel, và Hamas phải ngay lập tức thả tất cả các con tin đang bị giam giữ. Hoa Kỳ sẽ không ngừng sử dụng tất cả các công cụ có sẵn để ngăn chặn hoạt động khủng bố của Hamas.”

Các công cụ tài chánh của Hamas

Trong số những người bị chế tài hôm 18/10 có sáu cá nhân mà Hoa Kỳ cho biết đã giúp quản lý danh mục các công ty mà Hamas bí mật sở hữu.

“Ngoài số tiền mà Hamas nhận được từ Iran, các công cụ tài chánh toàn cầu của tổ chức này còn tạo ra khoản doanh thu khổng lồ thông qua tài sản của mình, ước tính trị giá hàng trăm triệu đô la, với các công ty hoạt động ở Sudan, Algeria, Thổ Nhĩ Kỳ, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, và các nước khác,” Mỹ cáo buộc.

Bộ Ngân khố cho biết, mạng lưới này được quản lý bởi những người ở “cấp cao nhất” của Hamas và “đã cho phép các quan chức cấp cao của Hamas sống xa hoa trong khi những người Palestine bình thường ở Gaza phải vật lộn trong điều kiện kinh tế và cuộc sống khắc nghiệt”.

Thông báo cũng nêu tên Buy Cash Money and Money Transfer Company, một công ty có trụ sở tại Gaza cung cấp dịch vụ chuyển tiền và cho phép mọi người giao dịch tiền điện tử như Bitcoin. Các quan chức từ lâu đã lo ngại về khả năng những kẻ khủng bố và tổ chức tội phạm sử dụng tiền điện tử để che giấu nguồn tài trợ của chúng.

Chế tài Iran

Cũng trong ngày 18/10, Mỹ công bố các chế tài mới nhằm vào các công ty và cá nhân hỗ trợ các chương trình sản xuất phi đạn đạn đạo và máy bay không người lái của Iran.

Mỹ trừng phạt 11 cá nhân, 8 công ty và một tàu chở hàng vì “tạo điều kiện cho Iran thực hiện các chương trình phi đạn đạn đạo và máy bay không người lái (UAV) gây bất ổn”. Mục tiêu của các chế tài trải rộng khắp Iran, Hong Kong, Trung Quốc và Venezuela.

Ông Brian E. Nelson, Thứ trưởng Bộ Ngân khố phụ trách khủng bố và tình báo tài chính, cho biết trong một tuyên bố: “Sự lựa chọn liều lĩnh của Iran trong việc tiếp tục phổ biến các máy bay không người lái hủy diệt và các loại vũ khí khác đã kéo dài nhiều cuộc xung đột ở các khu vực trên thế giới”.

Iran nổi tiếng là nước ủng hộ và cung cấp tài chính của Hamas. Những nỗ lực của Mỹ và Israel nhằm ngăn chặn cuộc xung đột hiện tại ở Gaza mở rộng có liên quan đến những cảnh báo trực tiếp và gián tiếp để Iran không can dự.

Tuy nhiên, thông báo về các chế tài liên quan đến Iran không có bất kỳ đề cập nào đến Israel hay Gaza.

Trong một thông tin khác liên quan, Ngũ Giác Đài cho biết một tàu chiến của Hải quân Hoa Kỳ ngày 19/10 đã chặn ba phi đạn hành trình và một số máy bay không người lái do phong trào Houthi liên kết với Iran phóng từ Yemen, có khả năng hướng tới Israel.

Washington đang cảnh giác cao độ về hoạt động của các nhóm được Iran hậu thuẫn khi căng thẳng khu vực tăng cao trong cuộc chiến Israel-Hamas.

Ngũ Giác Đài nói tàu khu trục USS Carney đang hoạt động ở phía bắc Biển Đỏ ngày 19/10 và bắn rơi phi đạn, không có người bị thương.

Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, Chuẩn tướng Patrick Ryder nói với các phóng viên: “Chúng tôi không thể nói chắc chắn những phi đạn và máy bay không người lái này đang nhắm mục tiêu gì, nhưng chúng được phóng từ Yemen hướng về phía bắc dọc theo Biển Đỏ, có khả năng hướng tới các mục tiêu ở Israel”.

Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết có vẻ như tàu chiến không phải là mục tiêu.

Mỹ đã phái một lượng lớn hải quân đến Trung Đông trong tuần qua, bao gồm hai tàu sân bay, các tàu hỗ trợ và khoảng 2.000 thủy quân lục chiến.

Mặc dù Tòa Bạch Ốc cho biết “không có kế hoạch hay ý định” sử dụng chúng nhưng điều đó có nghĩa là tài sản quân sự của Hoa Kỳ sẽ sẵn sàng để bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia của Hoa Kỳ nếu cần. Mỹ cũng có một loạt căn cứ ở Trung Đông với quân đội, máy bay chiến đấu và tàu chiến.

Previous articleGiấy tuyển dụng giả hứa giảm nợ cho sinh viên Mỹ nếu tham gia quân đội Ukraine | VOA Tiếng Việt
Next articleBộ trưởng Quốc phòng Israel tỏ ý cho thấy cuộc xâm lược Gaza trên bộ sắp xảy ra