Ông Trump đề nghị Tối cao Pháp viện can thiệp vào vấn đề quyền miễn trừ của ông

Hôm thứ Hai 12/2, ông Donald Trump đề nghị Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ tạm dừng áp dụng một phán quyết tư pháp không chấp nhận việc ông tuyên bố rằng ông được miễn trừ truy tố liên quan đến vụ cố gắng đảo ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020. Ông lập luận với Tối cao Pháp viện rằng nếu không có sự bảo vệ như vậy, “chức tổng thống như chúng ta biết sẽ chấm dứt tồn tại”.

Ông Trump đang tìm cách giành lại chức tổng thống trong cuộc bầu cử vào ngày 5/11 ở Hoa Kỳ. Hiện tại, ông đề nghị các thẩm phán tại Tối cao Pháp viện tạm thời không áp dụng phán quyết ngày 6/2 của hội đồng gồm 3 thẩm phán của Tòa phúc thẩm Hoa Kỳ chuyên trách Khu vực Quận Columbia, tức vùng thủ đô Mỹ. Phán quyết đó bác bỏ việc ông đòi được miễn trừ truy tố.

Các luật sư của ông Trump cảnh báo trong đơn ngắn gọn gửi tới Tối cao Pháp viện rằng “việc tiến hành một phiên tòa hình sự kéo dài nhiều tháng đối với Tổng thống Trump vào lúc cao điểm của mùa bầu cử sẽ làm gián đoạn hoàn toàn khả năng vận động tranh cử của Tổng thống Trump” trong cuộc chạy đua với đối thủ là Tổng thống Joe Biden trước cuộc bầu cử.

Họ đề nghị các thẩm phán thuộc Tối cao Pháp viện ra lệnh tạm dừng quá trình xét xử trong lúc họ làm việc để toàn bộ các thẩm phán thuộc tòa chuyên trách khu vực thủ đô Mỹ xem xét lại vụ việc, và nếu cần thiết, họ sẽ kháng cáo lên Tối cao Pháp viện.

Kế hoạch xét xử ông Trump vào ngày 4/3 tại tòa cấp liên bang ở Washington về 4 tội danh mà Công tố viên đặc biệt Jack Smith điều tra đã bị hoãn lại và chưa có thông báo về ngày xét xử mới.

Ông Trump, cựu tổng thống Mỹ đầu tiên bị truy tố hình sự, hiện đang dẫn đầu bên đảng Cộng hòa và có thể sẽ là đối thủ của ông Biden, một đảng viên Dân chủ từng đánh bại ông vào năm 2020.

Làm chậm lại quy trình xét xử vụ này có thể có lợi cho ông Trump. Nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11 và trở lại Nhà Trắng, ông có thể sử dụng quyền lực tổng thống của mình để buộc chấm dứt việc truy tố, hoặc thậm chí ông có thể ân xá cho chính mình về bất kỳ tội hình sự nào ở cấp độ liên bang.

Các luật sư của ông Trump đã vẽ ra một bức tranh đen tối về những gì sẽ xảy ra với các tổng thống tương lai, nếu việc truy tố hình sự ông được phép tiến hành, đồng thời cảnh báo về các cuộc truy tố hay sự khống chế mang tính đảng phái và hơn thế nữa, nhưng điều này bị tòa chuyên trách vùng thủ đô bác bỏ.

Các luật sư của ông viết: “Nếu không có quyền miễn trừ truy tố hình sự, chức vụ tổng thống như chúng ta biết sẽ không chấm dứt tồn tại”.

“Bất kỳ quyết định nào của tổng thống về một vấn đề gây tranh cãi về mặt chính trị sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị đảng đối lập cáo buộc sau khi thay đổi chính quyền. Tất cả các quyết định của tổng thống sẽ phải chịu áp lực sai trái, không đáng có từ các lực lượng chính trị đối lập, với nguy cơ bị truy tố sau khi tổng thống đã rời nhiệm sở”, họ viết.

Họ nói thêm: “Mối đe dọa truy tố sẽ trở thành một cây gậy chính trị được sử dụng để tác động đến các quyết định nhạy cảm và quan trọng nhất của tổng thống với mối đe dọa về những thiệt hại cá nhân sau khi rời nhiệm sở”.

Phán quyết của tòa chuyên trách khu vực thủ đô Mỹ đã tuyên rằng “dường như chỉ có nguy cơ nhỏ về việc các cựu tổng thống sẽ bị quấy nhiễu vô lý bởi các vụ truy tố hình sự thiếu cơ sở ở cấp liên bang”.

Previous articleBộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Austin phải nhập viện
Next articleThủ tướng Ba Lan nói không gì có thể thay thế được quan hệ của châu Âu, NATO và Mỹ