Philippines quyết không lùi khi Trung Quốc cảnh báo về ‘rắc rối’ ở bãi cạn Scarborough

Thợ lặn cắt dây phao ở bãi cạn Scarborough.

Hôm 26/9, Philippines tuyên bố sẽ không lùi bước trước nỗ lực của Trung Quốc nhằm ngăn cản ngư dân nước này đi vào bãi cạn trong vòng tranh chấp quyết liệt ở Biển Đông, trong khi Bắc Kinh cảnh báo quốc gia Đông Nam Á này không được “khiêu khích và gây rắc rối”, theo Reuters.

Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Manila tháo phao chắn dài 300 mét do Bắc Kinh lắp đặt tại bãi cạn này, một trong những thực thể hàng hải gây tranh cãi nhất ở châu Á, sử dụng lực lượng tuần duyên giả dạng ngư dân trên một chiếc thuyền nhỏ.

Động thái mà Philippines gọi là “chiến dịch đặc biệt” có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ vốn đã xấu đi trong năm nay.

Đề đốc Jay Tarriela, người phát ngôn lực lượng tuần duyên Philippines, nói với đài CNN Philippines: “Họ vẫn có thể lắp lại phao nổi một lần nữa, họ vẫn có thể thực hiện hành động bám đuổi và nguy hiểm một lần nữa”.

Trước đó, ông Tarriela cho hay 4 tàu Trung Quốc đang ở trong khu vực này khi một tàu Philippines tiếp cận và “không hung hãn đến mức đó”, đồng thời nói thêm rằng rõ ràng báo giới cũng có mặt trên tàu Philippines.

Ông cho biết hải cảnh Trung Quốc thậm chí đã dọn nốt những gì còn vương vãi lại của phao chắn nổi bị cắt đứt.

Ông Tarriela nói: “Chúng tôi đã cho thế giới thấy rằng người dân Philippines sẽ không lùi bước và chúng tôi vẫn sẽ liên tục thực hiện bất cứ điều gì cần thiết để duy trì sự hiện diện của mình”.

Bãi cạn Scarborough, một ngư trường chính cách Philippines khoảng 200 km và nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này, là nơi xảy ra tranh chấp chủ quyền kéo dài hàng thập kỷ.

Trung Quốc, quốc gia gọi bãi cạn này là đảo Hoàng Nham, cáo buộc Philippines “xâm nhập” vào vùng biển không thể tranh cãi của Trung Quốc. Hôm 26/9, nước này cảnh báo Manila chớ có gây ra các hành động khiêu khích.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nói tại cuộc họp báo thường kỳ: “Trung Quốc kiên quyết bảo vệ chủ quyền và quyền hàng hải của đảo Hoàng Nham và chúng tôi khuyên phía Philippines chớ có khiêu khích và gây rắc rối”.

Previous articleĐi Mỹ học về ‘chất bán dẫn’, lĩnh vực Mỹ muốn giúp VN khi nâng cấp quan hệ | VOA
Next articleMỹ tăng cường ‘ve vãn’ các đảo quốc Thái Bình Dương để đẩy lùi TQ