Thịt chó: Vì sao chủ đề này nhạy cảm ở Hàn Quốc?

Các chủ trại chó được đãi thịt chó trong đại hội năm 2019

“Bạn có ăn thịt chó không?”

Dù sự phản ứng cũng như câu trả lời thường phụ thuộc vào độ tuổi của người được hỏi, đây là một trong những chủ đề gây tranh cãi nhất mà một người nước ngoài có thể hỏi người dân xứ sở Kim Chi.

“Thật sự rất phiền phức, tôi liên tục phải giải thích là tôi chưa bao giờ ăn thịt chó. Món này chủ yếu là cho người lớn tuổi ở Hàn Quốc,, nhưng người nước ngoài thường ‘vơ đũa cả nắm’,” Park Eun-kyoung, chuyên gia tư vấn tuổi 30 hiện làm việc tại Đức, nói.

Cô cho biết đôi khi cảm thấy câu hỏi này mang tính xúc phạm.

“Câu hỏi này mang hàm ý tiêu cực, ám chỉ rằng người Hàn ăn một món ăn không phù hợp, và rằng văn hóa của chúng tôi man rợ.”

Tuy nhiên, những ngày người dân Hàn phải trả lời những câu hỏi như vẻ có lẽ sắp kết thúc: Hồi đầu tuần, chính phủ Hàn Quốc ban hành luật mới, cấm việc nuôi lấy thịt, giết mổ, phân phối và bán thịt chó từ năm 2027.

Luật này sẽ chấm dứt một tập tục đã kéo dài hàng thế kỷ. Trong lịch sử, bò là động vật được coi trọng, tới mức việc giết mỏ bò cần phải có giấy phép cho đến cuối thế kỷ 19, theo giáo sư nhân chủng học Joo Young-ha từ Trường Cao học Nghiên cứu Hàn Quốc.

Bởi lý do này, có một nguồn protein thay thế là cần thiết. Đối với người dân tại bán đảo Triều Tiên, thịt chó là một trong những lựa chọn tốt nhất.

Tuy vẫn có những người tránh ăn, thịt chó từng được ưa chuộng bởi mọi thành phần trong xã hội Hàn.

Ảnh canh thịt chó bosintang
Một trong những món nổi tiếng nhất từ thịt chó – canh thịt chó bosintang

Tương tự như những loại thịt khác, nhiều món ăn từ thịt chó được ưa chuộng đã ra đời; như canh thịt chó – “bosintang” hay thịt chó luộc thái lát.

Trò chuyện với những người Hàn lớn tuổi hơn, nhiều người trong số họ vẫn ca ngợi thịt chó như một món ngon tinh tế, dễ tiêu hóa và giàu năng lượng, đặc biệt trong tiết hè oi bức.

Vì vậy, nhiều người Hàn cảm thấy sốc khi những lời chỉ trích về việc tiêu thụ thịt chó bắt đầu xuật hiện trên nhiều đầu báo khắp thế giới trong thời kỳ Thế vận hội Seoul 1988 – sự kiện quốc tế lớn nhất mà Hàn Quốc từng tổ chức vào lúc đó.

“Ban đầu, nhiều người, đặc biệt là tầng lớp thượng lưu, đã tức giận và coi việc này là sự thiếu tôn trọng đến sự khác biệt văn hóa.” Tiến sĩ Joo nói.

Tuy nhiên, theo thời gian, thêm nhiều người cảm thấy xấu hổ và có đánh giá khách quan hơn về những chỉ trích này.

Hơn ba thập kỷ sau, Hàn Quốc trở thành một đất nước rất khác, ít nhất là về số lượng người ăn thịt chó.

Theo một cuộc thăm dò của Gallup vào năm ngoái (2023), chỉ 8% người được hỏi cho biết họ đã thử ăn thịt chó trong vòng 12 tháng qua, giảm từ 27% vào năm 2015.

Những con số cung cấp bởi Hiệp hội Tiêu thụ thịt chó của Hàn Quốc, một tổ chức đại diện cho ngành, cũng cho thấy sự sụt giảm.

Họ cho biết hiện có khoảng 3.000 trang trại nuôi chó ở Hàn Quốc, giảm đáng kể so với 10.000 trang trại vào đầu những năm 2010, nhưng cao hơn đáng kể so với con số chính phủ công bố – khoảng 1.100 trang trại.

Cảnh chủ sở hữu chó tại Hàn Quốc
Số lượng người Hàn sở hữu thú cưng gia tăng liên tục trong vài năm qua

Trong khi đó, lượng người sở hữu thú cưng gia tăng đáng kể. Dữ liệu khảo sát từ năm 2022 của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn cho thấy cứ 4 người Hàn Quốc thì có 1 người sở hữu thú cưng.

Tháng 12 năm ngoái, có thông tin rằng, lần đầu tiên, xe đẩy thú cưng bán chạy hơn hơn xe đẩy trẻ sơ , mặc dù lý giải cho điều này có thể là do việc suy giảm mức sinh cũng như là tình yêu động vật của người Hàn.

Tổng thống Yoon Suk Yeol và đệ nhất phu nhân Kim Keon Hee, sở hữu sáu con chó và năm con mèo, đều nổi tiếng là yêu thương động vật.

Mất chỉ chưa đến hai năm để chính phủ đương nhiệm ban hành điều luật này, điều mà những chính quyền trước không làm được cho dù ý tưởng bắt đầu được nêu ra lần đầu tiên cách đây tới vài thập kỷ.

Những đề xuất tưởng chừng sẽ được xem xét dưới thời người tiền nhiệm của ông Yoon đã bị hủy bỏ do làn sóng chỉ trích gay gắt.

Với điều luật mới, từ 2027, những người tiếp tục tham gia vào ngành kinh doanh thịt chó sẽ phải đối mặt bị xử phạt hành chính hoặc tù giam.

Tuy nhiên, việc ăn thịt chó không bị cấm.

Dù vậy, điều luật này được các nhà hoạt động chào đón, bao gồm Jo Hee Kyung, người đứng đầu Hiệp hội Bảo vệ Động vật Hàn Quốc (KAWA). Bà đã bắt đầu phong trào vận động về vấn đề này từ cuối những năm 1990.

Bà nói lệnh cấm là “lựa chọn duy nhất” để ngăn chặn hành vi ngược đãi chó, đồng thời nói thêm: “Tôi hy vọng thế giới ngừng ngược đãi động vật nhân danh truyền thống hoặc văn hóa.”

Nhưng không phải tất cả mọi người đều đồng tình với điều luật này, đặc biệt là những người kiếm sống bằng việc kinh doanh thịt chó.

“Chúng tôi hiểu là có nhiều người không ăn thịt chó hơn là những người ăn. Chúng tôi hiểu là thị trường … nhưng đó vẫn là quyền kinh doanh của chúng tôi,” Joo Yeong-bong, một nông dân nuôi chó lấy thịt giàu kinh nghiệm và là chủ tịch Hiệp hội Tiêu thụ thịt chó của Hàn Quốc (Korean Association of Edible Dog), cho biết.

Ông cho rằng việc quản lý tốt hơn ngành này, mà trước nay gần như không có, sẽ giúp giải quyết được những lo ngại về quyền động vật.

Tiến sĩ Ahn Yong Geun, cựu giáo sư kỹ thuật thực phẩm tại Đại học Quốc gia Chungnam, thường được gọi là “Tiến sĩ Thịt Chó”.

Tiến sĩ bắt đầu nghiên cứu trong Thế vận hội 1988 và là một trong số ít nhà nghiên cứu về thịt chó ở Hàn Quốc.

Ông cảm thấy thất vọng bởi phản ứng mà ông cho rằng là thụ động của chính phủ và giới học thuật trong nước.

Tuy nhiên, ông cũng đang biện luận cho lợi ích dinh dưỡng của thịt chó.

Theo Tiến sĩ Ahn, thịt chó có hàm lượng chất béo không bão hòa thấp và là nguồn thay thế lành mạnh cho thịt bò và thịt lợn.

Tuy nhiên, thời đại của thịt chó sắp đang bị đưa vào dĩ vãng – một hành động mà ông cho rằng mâu thuẫn với các quyền tự do cơ bản được nêu trong hiến pháp Hàn Quốc.

“Bạn không thể kiểm soát những gì mọi người có thể và không thể ăn,” ông Joo , một người chăn nuôi chó đưa ý kiến.

Lee Bora, một người nuôi chó trong độ tuổi 30, phản đối việc ăn thịt chó và hoan nghênh luật mới, nhưng cho biết cô “lo lắng” về những tác động của nó.

“Về mặt cảm xúc, tôi ước mọi người không nuôi lấy thịt và giết mổ chó làm thức ăn,” cô nói.

“Tuy nhiên, về cơ bản thì tôi nghĩ chó không khác gì bò hay lợn.”

Previous articleMỹ-Anh không kích phe Houthi ở Yemen, căng thẳng Trung Đông tăng nhiệt | VOA Tiếng Việt
Next articleThương Mại Việt Nam #2082 (01.09.2024)