Thủ tướng Nhật hỗ trợ Ukraine, Chủ tịch Trung Quốc ủng hộ Nga

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida đặt vòng hoa tại một ngôi mộ tập thể để tỏ lòng thành kính với những người thiệt mạng ở Bucha, một thị trấn bên ngoài Kyiv, Ukraine, ngày 21/3/2023.

Thủ tướng Nhật Fumio Kishida ngày 21/3 bất ngờ thăm Kyiv, trong lúc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang gây chú ý với chuyến thăm Nga, gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Moscow để thúc đẩy đề nghị hòa bình của Bắc Kinh đối với Ukraine mà các quốc gia phương Tây đã chỉ trích.

Hai chuyến thăm, cách nhau khoảng 800 km, nêu bật hệ quả của cuộc chiến kéo dài gần 13 tháng đối với ngoại giao quốc tế khi các nước quyết định đứng về Kyiv hay Moscow. Ông Kishida, người sẽ chủ tọa hội nghị thượng đỉnh G7 vào tháng 5, đã gặp Tổng thống Ukrraine, Volodymyr Zelenskyy, và tỏ lòng thành kính với những người thiệt mạng ở Bucha, một thị trấn bên ngoài Kyiv đã trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo của Nga đối với dân thường.

Tại Nga, sau cuộc hội đàm với ông Tập, ông Putin nói kế hoạch hòa bình của Trung Quốc có thể tạo cơ sở cho việc giải quyết cuộc chiến ở Ukraine khi phương Tây sẵn sàng, nhưng ông nói thêm rằng các đồng minh phương Tây của Kyiv không quan tâm đến điều đó.

Các quan chức Hoa Kỳ đã nói rằng bất kỳ kế hoạch hòa bình nào đến từ cuộc gặp Putin-Tập sẽ không thể chấp nhận được vì lệnh ngừng bắn sẽ chỉ phê chuẩn các cuộc chinh phục lãnh thổ của Moscow và cho Nga thời gian để lên kế hoạch cho một cuộc tấn công mới.

“Có vẻ như phương Tây thực sự có ý định chống lại Nga cho đến người Ukraine cuối cùng,” ông Putin nói sau cuộc hội đàm với ông Tập. Ông cho biết mối đe dọa mới nhất là kế hoạch của Anh cung cấp cho Ukraine đạn xe tăng chứa uranium thấp có thể xuyên thủng vỏ bọc xe tăng. “Nếu điều đó xảy ra, Nga sẽ đáp trả tương ứng, vì cả phương Tây đang bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân”.

Ông Putin không nói rõ chi tiết nhưng thỉnh thoảng từng cảnh báo rằng Nga sẽ sử dụng tất cả các phương tiện sẵn có, bao gồm cả vũ khí hạt nhân, để tự vệ, nhưng đôi khi cũng đã rút lại những lời đe dọa như vậy.

Bình luận của ông Putin đề cập tới phát biểu hôm 20/3 của Quốc vụ khanh Bộ Quốc phòng Anh Annabel Goldie rằng: “Bên cạnh việc chúng tôi cấp một đội xe tăng chiến đấu chủ lực Challenger 2 cho Ukraine, chúng tôi sẽ cung cấp đạn dược, bao gồm cả đạn xuyên giáp chứa uranium thấp. Những loại đạn như vậy có hiệu quả cao trong việc đánh bại xe tăng và xe bọc thép hiện đại”.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho biết kế hoạch của Vương quốc Anh cho thấy người Anh “đã mất phương hướng” và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu nói “việc này đánh dấu một bước nữa, và không còn nhiều bước nữa đâu”.

Tuy nhiên, chuyên gia vũ khí Hamish de Bretton-Gordon, cựu chỉ huy Trung đoàn xe tăng Hoàng gia Anh, cho rằng ông Putin “liều lĩnh” khi “tìm cách gợi ý rằng Anh đang gửi vật liệu hạt nhân” tới Ukraine. Ông cho biết uranium thấp là một thành phần phổ biến của đạn xe tăng, thậm chí có thể được Nga sử dụng.

“Việc ông Putin nói bóng gió rằng đạn này là một loại vũ khí hạt nhân nào đó là điên rồ,” ông de Bretton-Gordon nói với hãng tin AP. “Uranium thấp hoàn toàn trung tính. Không có cách nào bạn có thể tạo ra một phản ứng hạt nhân hoặc một vụ nổ hạt nhân với uranium thấp.”

Bắc Kinh khẳng định họ là một nhà môi giới trung lập ở Ukraine, và ông Tập ngày 21/3 nói sau cuộc hội đàm với ông Putin: “Chúng tôi tuân thủ lập trường khách quan và nguyên tắc về cuộc khủng hoảng Ukraine dựa trên các mục tiêu và nguyên tắc của Hiến chương Liên hiệp quốc.” Ông nói thêm rằng kế hoạch của Trung Quốc tìm cách “tích cực khuyến khích hòa bình và nối lại các cuộc đàm phán.”

Trong một tuyên bố chung, Nga và Trung Quốc nhấn mạnh sự cần thiết phải “tôn trọng các mối quan tâm an ninh chính đáng của tất cả các quốc gia” để giải quyết xung đột, nhắc lại lập luận của Moscow rằng họ đã gửi quân đến nước láng giềng để ngăn Mỹ và các đồng minh NATO biến nước này thành một bức tường thành chống Nga.

“Nga hoan nghênh sự sẵn sàng của Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc giải quyết chính trị và ngoại giao cho cuộc khủng hoảng Ukraine” và “những ý tưởng mang tính xây dựng” trong kế hoạch hòa bình của Bắc Kinh, tuyên bố nói. Tuyên bố nói thêm: “Các bên nhấn mạnh rằng một cuộc đối thoại có trách nhiệm đưa ra con đường tốt nhất cho một giải pháp lâu dài … và cộng đồng quốc tế nên hỗ trợ những nỗ lực mang tính xây dựng trong vấn đề này.”

Ông Kishida đã đặt hoa tại một nhà thờ ở Bucha cho các nạn nhân của thị trấn.

Ông nói: “Trong chuyến thăm Bucha này, tôi cảm thấy vô cùng phẫn nộ trước sự tàn ác.” “Tôi xin đại diện cho người dân Nhật Bản và bày tỏ lời chia buồn sâu sắc nhất tới những người đã mất người thân, bị thương vì hành động tàn ác này.”

Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản Rahm Emanuel ghi nhận “hai quan hệ đối tác Châu Âu-Thái Bình Dương rất khác nhau” đã diễn ra ngày 21/3.

“Ông Kishida sát cánh với tự do, và ông Tập đứng về phía tội phạm chiến tranh,” ông Emanuel viết trên Twitter, đề cập đến quyết định hôm 17/3 của Tòa án Hình sự Quốc tế về việc ban hành lệnh bắt giữ ông Putin, nói rằng họ muốn đưa ông ta ra xét xử vì tội bắt cóc hàng ngàn trẻ em từ Ukraine.

Các đồng minh của Kyiv cam kết hỗ trợ nhiều hơn. Washington đang đẩy nhanh việc cung cấp xe tăng Abrams cho Ukraine, gửi một phiên bản cũ đã được tân trang lại để có thể sẵn sàng nhanh hơn, các quan chức Mỹ nói với hãng tin AP hôm 21/3. Mục đích là đưa những xe tăng khổng lồ 70 tấn đến vùng chiến sự trong vòng 8 đến 10 tháng, các quan chức cho biết với điều kiện giấu tên vì kế hoạch vẫn chưa được công bố.

Ông Putin rất muốn cho thấy rằng ông có một đồng minh và thị trường lớn cho các sản phẩm năng lượng của Nga dưới các chế tài của phương Tây. Ông nói ông muốn mở rộng quan hệ kinh tế song phương, lưu ý rằng thương mại Nga-Trung đã tăng 30% vào năm ngoái lên 185 tỷ đô la và dự kiến sẽ đạt 200 tỷ đô la trong năm nay.

Ông cho biết Nga “sẵn sàng đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của nền kinh tế Trung Quốc đối với các nguồn năng lượng” bằng cách tăng cường cung cấp dầu và khí đốt, đồng thời liệt kê các lĩnh vực hợp tác kinh tế và văn hóa khác, bao gồm máy bay, công nghiệp đóng tàu và các lĩnh vực công nghệ cao khác.

Mặt trận Nga-Trung chống lại phương Tây là chủ đề nổi bật trong chuyến thăm của ông Tập. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cáo buộc NATO đang tìm cách trở thành lực lượng quân sự thống trị thế giới. “Đó là lý do tại sao chúng tôi đang mở rộng hợp tác với Trung Quốc, bao gồm cả trong lĩnh vực an ninh,” ông nói.

Liệu sự hỗ trợ của Trung Quốc đối với Nga có mở rộng sang hỗ trợ quân sự hay không là một câu hỏi quan trọng. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg nói tại Brussels là các quan chức phương Tây “đã nhìn thấy một số dấu hiệu” rằng ông Putin cũng muốn có vũ khí sát thương từ Trung Quốc, mặc dù không có bằng chứng nào cho thấy Bắc Kinh đã chấp thuận yêu cầu của ông.

Ông Stoltenberg nói: “Trung Quốc không nên cung cấp vũ khí sát thương cho Nga.” “Điều đó sẽ hỗ trợ một cuộc chiến bất hợp pháp và chỉ kéo dài chiến tranh.”

Trong cuộc gặp ngày 21/3 với Thủ tướng Nga Mikhail Mishustin, ông Tập nói ông đã mời ông Putin đến thăm Trung Quốc trong năm nay để thảo luận về một sáng kiến khu vực nhằm mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh thông qua hợp tác kinh tế.

Moscow và Bắc Kinh đều bị quốc tế lên án về hồ sơ nhân quyền. Chính phủ Trung Quốc đã bị lên án rộng rãi vì cáo buộc có những hành động tàn bạo đối với người Hồi giáo Uighur ở khu vực Tân Cương xa xôi phía tây nước này. Các cáo buộc bao gồm tội diệt chủng, cưỡng bức triệt sản và giam giữ hàng loạt gần 1 triệu người Uighur. Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc đó.

Ông Kishida dùng tàu hỏa từ Ba Lan đến Kyiv chỉ vài giờ sau khi gặp Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ở New Delhi và một tuần sau hội nghị thượng đỉnh đột phá với Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yoel.

Cả Trung Quốc và Nhật Bản đều đạt được những thành công ngoại giao gần đây giúp củng cố chính sách đối ngoại của họ.

Nhật Bản, quốc gia có tranh chấp lãnh thổ các đảo với cả Trung Quốc và Nga, đặc biệt lo ngại về mối quan hệ thân thiết giữa Bắc Kinh và Moscow, hai nước đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự chung gần bờ biển Nhật Bản.

Bước đột phá ngoại giao của Bắc Kinh diễn ra sau thành công gần đây của họ trong việc môi giới một thỏa thuận giữa Iran và đối thủ chính ở Trung Đông, Ả Rập Xê-út nhằm khôi phục quan hệ sau nhiều năm căng thẳng. Động thái này cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc trong một khu vực mà Washington từ lâu đã là một bên tham gia lớn từ bên ngoài.

Ông Kishida, nhà lãnh đạo G-7 duy nhất chưa đến thăm Ukraine và chịu áp lực trong nước phải làm như vậy. Ông trở thành nhà lãnh đạo đầu tiên của Nhật Bản thời hậu chiến bước vào vùng chiến sự.

Do các nguyên tắc hòa bình của mình, sự hỗ trợ của Nhật Bản dành cho Ukraine chỉ giới hạn ở thiết bị và vật tư nhân đạo.

Nhật Bản đã đóng góp hơn 7 tỷ đô la cho Ukraine và tiếp nhận hơn 2.000 người Ukraine di cư, một động thái hiếm hoi ở một quốc gia có chính sách nhập cư nghiêm ngặt.

Tokyo đã cùng với Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu chế tài Nga về cuộc xâm lược. Ngược lại, Trung Quốc từ chối lên án hành động gây hấn của Moscow và chỉ trích các chế tài của phương Tây đối với Moscow, đồng thời cáo buộc NATO và Washington kích động hành động quân sự của ông Putin.

Nhật Bản đã nhanh chóng phản ứng vì lo ngại tác động có thể xảy ra của một cuộc chiến ở Đông Á, nơi quân đội Trung Quốc ngày càng trở nên quyết đoán và làm leo thang căng thẳng xung quanh Đài Loan tự trị, mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Uông Văn Bân nói về chuyến đi của ông Kishida: “Chúng tôi hy vọng Nhật Bản có thể làm nhiều hơn nữa để xuống thang tình hình thay vì làm ngược lại”.

Previous articleThương Mại Việt Nam #2039 (03.21.2023)
Next articleNew York chuẩn bị cho khả năng ông Trump có thể bị bắt