Trung Quốc cảnh báo tránh ‘Chiến tranh Lạnh mới’ tại thượng đỉnh ASEAN

Thủ tướng Lý Cường phát biểu tại Thượng đỉnh ASEAN ở Jakarta

(VOA) – Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói rằng điều quan trọng là phải tránh ‘Chiến tranh Lạnh mới’ khi xử lý xung đột giữa các nước trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị ngày càng gay gắt trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh ở Indonesia hôm 6/9 giữa các thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc, Thủ tướng Lý nói các nước cần ‘xử lý thỏa đáng những khác biệt và tranh chấp’.

“Hiện tại, điều rất quan trọng là phải phản đối việc theo phe, đối đầu khối và Chiến tranh Lạnh mới,” ông Lý phát biểu trong cuộc họp.

ASEAN, vốn đã cảnh báo về nguy cơ bị kéo vào tranh chấp của các cường quốc, có các cuộc thảo luận rộng hơn với Thủ tướng Lý, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và lãnh đạo các nước đối tác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Ấn Độ.

Cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều không tham dự.

Ưu tiên trong chương trình nghị sự tại Jakarta là lo ngại về thái độ ngày càng quyết đoán của Trung Quốc ở Biển Đông.
Trong bài phát biểu vào đầu cuộc họp với các lãnh đạo ASEAN, bà Harris nói rằng Mỹ cam kết gắn bó với khu vực.

“Hoa Kỳ có cam kết lâu dài đối với Đông Nam Á và nhìn chung là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” bà nói.

Một quan chức Nhà Trắng trước đó cho biết bà Harris sẽ ‘nhấn mạnh lợi ích chung của Mỹ và ASEAN trong việc duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, bao gồm cả trên Biển Đông, trước những yêu sách chủ quyền bất hợp pháp và các hành động khiêu khích của Trung Quốc’.

ASEAN trong tuần này đã thảo luận với Trung Quốc về việc thúc đẩy các cuộc đàm phán về bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi cho biết.

Vấn đề này cũng được đưa ra trong hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Nhật, nơi các nhà lãnh đạo ‘bày tỏ tầm quan trọng của việc giữ cho tình hình khu vực thuận lợi, nhất là ở bán đảo Triều Tiên và Biển Đông’, bà nói.

Ngay trước cuộc họp thượng đỉnh, Trung Quốc đã công bố bản đồ có ‘đường 10 đoạn’ thể hiện yêu sách chủ quyền mở rộng của họ trên Biển Đông.

“Philippines kiên quyết bác bỏ lập luận gây hiểu lầm vốn xem các tranh chấp ở Biển Đông chỉ thông qua lăng kính cạnh tranh chiến lược giữa hai siêu cường,” Tổng thống Marcos nói.

“Điều này không chỉ bác bỏ tính độc lập và quyền tự quyết của chúng tôi, mà còn coi thường lợi ích hợp pháp của chính các nước chúng tôi.”

Một số nước ASEAN đã phát triển quan hệ ngoại giao, kinh tế và quân sự chặt chẽ với Trung Quốc trong khi những nước khác cảnh giác hơn. Mỹ cũng đã tranh thủ các nước ASEAN nhưng với mức độ thành công khác nhau.

Previous articleThương Mại Việt Nam #2063 (09.05.2023)
Next articleĐệ nhất Phu Nhân Jill Biden dương tính với COVID-19, Tổng thống Biden âm tính